top of page

Vì sao ASIF chọn Tây Nguyên là nơi triển khai các dự án?


So với nhiều khu vực khác, Tây Nguyên là nơi đặc biệt khó khăn. Không chỉ thiếu nước sạch, Tây Nguyên còn tập trung nhiều vấn đề y tế - sức khỏe, kinh tế, thiên tai đáng báo động.


Thông qua đánh giá, phân tích kỹ lưỡng thực trạng của vùng nông thôn Việt Nam, ASIF đã quyết định chọn Tây Nguyên là nơi triển khai 2 dự án “Giếng sạch trao buôn” và “Gùi nước về làng”.


Lý do ASIF chọn Tây Nguyên để triển khai dự án


Tây Nguyên là nơi tập trung hầu hết các vấn đề của vùng nông thôn như: ô nhiễm nước, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp... Không chỉ vậy, khí hậu Tây Nguyên cũng có phần khắc nghiệt, hàng năm phải chịu nhiều thiên tai, khiến những khó khăn của vùng càng trầm trọng. Thông qua phân tích và đánh giá kỹ lưỡng, ASIF đã chọn khởi xướng hai dự án “Giếng sạch trao buôn” và “Gùi nước về làng” tại Tây Nguyên vì các lý do sau:

  • Tây Nguyên có tỷ lệ dân tộc miền núi cao trong khi kinh tế không phát triển tốt bằng các khu vực khác

Hầu hết người dân tộc miền núi lại có dân trí chưa cao, dẫn đến một trong những vòng lặp đói nghèo thường thấy: vì dân trí chưa cao nên chưa thế phát triển kinh tế, nhưng cũng chính vì kinh tế không phát triển nên không có nguồn lực để phát triển dân trí. Một điều đáng báo động nữa là có một bộ phận người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chưa ý thức được tầm quan trọng của nước sạch, và vẫn bất chấp dùng những nguồn nước ô nhiễm.

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các thực trạng của Tây Nguyên
  • Là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thiên tai

Theo các nghiên cứu về môi trường, mùa khô của Tây Nguyên trong những năm gần đây ngày càng kéo dài và khắc nghiệt. Tình trạng này khiến nước sạch càng thêm khan hiếm từ khoảng tháng 11 đến tháng 4. Vào mùa mưa, mực nước ở hệ thống sông của Tây Nguyên tăng cao, song lại mang nhiều chất bẩn do mưa lũ cuốn từ đồi núi xuống. Người dân tộc miền núi ở Tây Nguyên lại có truyền thống đi gùi nước. Những đợt lũ quét, lũ lụt vào mùa mưa khiến tính mạng của người dân luôn bị đe dọa trên đường đi gùi.

  • Là khu vực có nhiều yếu tố tạo nên tình trạng nghèo bền vững

Những yếu tố đó bao gồm: có nhiều nhóm người dân tộc, nhiều hộ nghèo, tình trạng bỏ học kết hôn sớm cao, một gia đình có nhiều con (trung bình là 6), tỷ lệ biết chữ và nói tiếng Việt thấp.

  • Các trụ cột kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội, y tế sức khỏe cho người vùng núi chưa đảm bảo

Để góp phần giúp người dân Tây Nguyên khắc phục những khó khăn trong đời sống, ASIF đã khởi xướng 2 dự án “Giếng sạch trao buôn” và “Gùi nước về làng” để giải quyết một thực trạng đã “nhức nhối” ở địa phương trong nhiều năm qua: ô nhiễm nguồn nước và thiếu nước sạch trầm trọng.

  • Thực trạng ô nhiễm nước ở vùng nông thôn

Nguồn nước ở nông thôn Việt Nam đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hàng năm ngành nông nghiệp Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón. Hầu hết nông dân trồng lúa đều dùng phân báo cao hơn mức khuyến cáo, nhưng trong đó chỉ có 45-50% là được sử dụng hiệu quả. Số còn lại bị rửa trôi xuống sông, suối hoặc thấm vào các mạch nước ngầm.

Người dân đang lấy nước từ các nguồn xung quanh đồng ruộng

Đó chỉ là một trong rất nhiều lý do khiến nguồn nước nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng. Bên cạnh đó còn phải kể tới các hoạt động chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp… góp phần thải thêm nhiều chất bẩn vào các nguồn nước mặt lẫn nước ngầm của nông thôn, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Y tế, Việt Nam có đến khoảng 9,000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém.


Ngoài thiệt hại về nhân mạng, ô nhiễm nước và thiếu nước sạch còn kéo theo nhiều vấn đề khác. Một nghiên cứu của WHO đã chỉ ra rằng Việt Nam có đến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch. Tại một số địa phương, nước ngầm còn có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ, kim loại nặng, vi sinh… khiến người dân khi sử dụng vào dễ mắc phải các bệnh như thương hàn, kiết lị, viêm gan, các bệnh về da và hô hấp…

Lấy nước ở sông suối vào mùa mưa có nguy cơ gặp lũ quét, lũ lụt rất cao

Thiếu nước sạch còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, thu nhập của người dân nông thôn. Các trường hợp đồng lúa giảm sản lượng, thủy hải sản chết hàng loạt đều có sự góp phần của nguồn nước ô nhiễm. Ở một vài địa phương, vấn đề này còn khiến người dân phải đối mặt với dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Gùi nước chuyên dụng của dự án “Gùi nước về làng” giúp người dân trữ nước sạch sẽ và tiện lợi hơn ở nhà

Thông qua 2 dự án “Giếng sạch trao buôn” và “Gùi nước về làng”, ASIF sẽ giúp giải tỏa bớt những thực trạng về y tế - sức khỏe nêu trên có liên quan đến nguồn nước ô nhiễm của người dân Tây Nguyên. Bên cạnh đó, 2 dự án cũng mong có thể góp phần cải thiện các vấn đề về ý thức, chất lượng sống, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.


Cả 2 dự án đang được triển khai tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Hơn 750,000 người dân tại 2 tình vừa nêu sẽ được hưởng lợi từ “Giếng sạch trao buôn” và “Gùi nước về làng”.


Bạn có thể chung tay với ASIF để mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân vùng núi bằng cách tìm hiểu về dự án và đóng góp với chúng tôi ngay hôm nay. Mỗi đóng góp của bạn sẽ được nhân đôi, vì ASIF sẽ góp thêm vào đúng phần bạn đã trao, và người dân Tây Nguyên được thụ hưởng gấp bội.


Hãy tìm hiểu ngay về 2 dự án của ASIF và đóng góp ngay!


Giếng sạch trao buôn:


Gùi nước về làng:




Comentários


bottom of page