top of page

Cách giảm căng thẳng tâm lý cho trẻ khi học Online

Trong mùa dịch này, học Online là cách để giúp việc giáo dục của con trẻ không bị gián đoạn. Thế nhưng, sau nhiều tháng tù túng, thiếu vận động vì ở nhà phòng dịch, việc tiếp tục ngồi một chỗ để học Online liệu có gây ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý trẻ?


Học trực tuyến gây căng thẳng cho con trẻ

Bên cạnh những bất cập cho phụ huynh như: khó sắm sửa thiết bị học tập, không sắp xếp được thời gian để vừa làm việc vừa kèm cho con; nhiều người cũng bày tỏ lo lắng rằng học online đang gây ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ.

Trong độ tuổi hiếu động, việc phải ngồi yên một chỗ học trong thời gian dài có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến trẻ


Ở lứa tuổi nào, trẻ cũng cần sự khích lệ, cũng thích thú khi được tuyên dương. Bên cạnh lời khen, những biểu hiện không lời như giáo viên gật gù trước một phát biểu hay, ánh mắt, nụ cười ngưỡng mộ của bạn bè trên lớp… cũng giúp các em thấy phấn khích hơn với việc học tập. Còn khi học Online, các em khó có thể nhận được sự khích lệ như vậy.

Trẻ dễ có xu hướng lười nhác, chán nản hơn khi học từ xa


Nề nếp và kỷ luật của môi trường học đường cũng rất dễ bị đạp đổ ở lớp học Online. Việc thiếu tương tác, bên cạnh đó là thiếu giải trí khi phải ở nhà quá lâu, sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự cân bằng tâm lý của các em, dẫn đến các em dễ chán và có những hành vi bất hợp tác như tắt camera, thoát khỏi phòng học, vừa học vừa chơi game…


Việc học Online còn đòi hỏi nhiều ở các em sự tự giác – là điều mà trước đó nhiều trẻ chưa hoàn thiện, nhưng nhờ vào quy tắc của trường lớp mà trẻ học tập có khuôn khổ hơn. Trong môi trường trực tuyến khó để thầy cô quản lí hết, các em càng không có động lực để nghiêm khắc với chính mình, dần dần hình thành các thói xấu như chểnh mảng, tập trung kém, lười nhác…


Cách giải tỏa tâm lý cho con khi học Online

Trong bối cảnh này, rất khó để bảo vệ trẻ hoàn toàn khỏi những biến động xung quanh, hoặc mong con trẻ hành xử bình thường như khi còn đang được đến trường, ra ngoài vui chơi. Thế nhưng, vẫn có những cách để bố mẹ giảm tải những tác động từ bối cảnh và giải tỏa bớt tâm lý nặng nề cho con.


1. Giảm kỳ vọng với con

Nếu bị đặt quá nhiều áp lực, trẻ sẽ trở nên sợ và căng thẳng với việc học hơn


Thành tích học tập của con khi học Online có thể sẽ không tốt bằng khi học trực tiếp ở trường. Bố mẹ có thể cùng con trỏ chuyện, thảo luận về việc học của con, giảm những kỳ vọng của mình về kết quả học tập của con trong mùa học Online để trẻ không làm tăng áp lực cho trẻ.


2. Tâm sự cùng con

Việc hỏi han, trò chuyện sẽ giúp trẻ cảm thấy đang được chú ý và quan tâm. Với trẻ ở tuổi dậy thì, các em cũng sẽ có nhu cầu được trò chuyện về đa dạng chủ đề hơn: những điều trẻ quan tâm, những thay đổi về cơ thể, những buồn phiền khi phải xa bạn bè…


Những cuộc trò chuyện sẽ tạo cho trẻ cơ hội được giao tiếp, giãi bày tâm tư của mình trong những ngày tù túng ở nhà. Bố mẹ cũng có thể lên kế hoạch để gia đình có những hoạt động cùng nhau như cùng ngồi chia sẻ, xem phim, tập thể dục, lắng nghe con kể về chuyện trường lớp… để thắt chặt gắn kết của cả nhà.


3. Động viên, khen ngợi trẻ

Những lời khen, khích lệ từ bố mẹ sẽ giúp trẻ có thêm động lực để cố gắng

Môi trường Online khiến trẻ thiếu đi những khích lệ từ thầy cô, bạn bè. Lúc này, trẻ càng cần bố mẹ trở thành những người đồng hành để động viên trẻ đúng lúc.


Hãy dành sự ghi nhận cho cố gắng của trẻ. Bố mẹ có thể cho con những lời khen như: “Hôm nay mẹ thấy con ngồi học tập trung hơn hôm qua, phát biểu nhiều hơn hôm qua…”. Những lời khích lệ như vậy sẽ giúp trẻ thấy sự cố gắng của mình được bố mẹ quan tâm, giúp trẻ có thêm động lực để chú tâm học hành.


4. Vui chơi giải trí

Bố mẹ cũng cần cho trẻ khung giờ để được giải trí tự do theo cách trẻ muốn để giải tỏa những căng thẳng từ việc học.


5. Tạo môi trường học tập phù hợp

Hãy xem xét nơi ngồi học của con có đủ yên tĩnh không, kết nối mạng có đủ mạnh, có những yếu tố gây xao nhãng như đồ chơi, máy chơi game, tiếng ồn bên ngoài… và tìm cách thay đổi hoặc hạn chế chúng để con học tốt hơn.

Ngoài những cách trên, bố mẹ cũng có thể trao đổi thêm với giáo viên về khó khăn, thay đổi của trẻ khi chuyển sang học Online để có cách giúp con tốt hơn. Bố mẹ hãy cố gắng dành thời gian theo dõi trẻ thường xuyên, nhận biết những dấu hiệu, biểu hiện bất thường ở con để kịp thời can thiệp, hoặc tìm sự giúp đỡ từ giáo viên, bác sĩ, chuyên gia tâm lý.


Phụ huynh cũng cần giữ tâm lý vững vàng

Bên cạnh các bé, phụ huynh cũng sẽ dễ căng thẳng hơn với việc học của con trong mùa này. Trong các hội, nhóm phụ huynh trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ áp lực khi phải tìm cách cân bằng giữa làm việc tại nhà và kèm con học.


Những áp lực dồn nén có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của gia đình, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội khi mọi người phải ở nhà rất tù túng.


Để giữ tâm lý ổn định, bố mẹ hãy dành thời gian trao đổi với nhau nhiều hơn để chia sẻ bớt việc chăm sóc, kèm cặp con. Đừng ngần ngại bày tỏ những khó khăn của mình để cùng giúp đỡ nhau vượt qua. Bố mẹ hãy cố gắng hiểu rằng, những khăn đang gặp phải này chỉ là nhất thời và sẽ kết thúc ngay khi tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội có những tiến triển tích cực.


Dạy con luôn là quá trình khó khăn, nhưng vì thế mà chúng ta càng phải cố gắng để các bé lớn lên thành những người tốt đẹp. ASIF hy vọng bài viết này có thể giúp các gia đình phần nào trong việc giải tỏa bớt căng thẳng của mùa học Online nhé!


*Tham khảo từ nhiều nguồn



3 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page