top of page

“Em đưa chị vô mái ấm tình thương”

Đối với nhiều bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, mái ấm Gary được biết đến như là mái ấm của tình thương. Hàng ngày, mọi người vẫn giới thiệu nhau đến đây để có nơi chốn nghỉ ngơi trong thời gian điều trị và để cảm nhận sự ấm áp của tình người.


“Sống tạm” ở bệnh viện


Chuyến xe chở bệnh nhân dừng trước cửa mái ấm Gary. Đoàn người lần lượt bước xuống, chuẩn bị giấy tờ làm thủ tục tiếp nhận bệnh nhân mới. Ngồi trên băng ghế chờ đến lượt, cô Lê Kim Phượng kể về hoàn cảnh của mình. Cô mắc ung thư vú cách đây 4 năm, đã tiến hành phẫu thuật và hoá trị, nhưng không may bệnh ung thư tái phát và đã di căn vào xương.


Chuyến xe đón bệnh nhân từ Bệnh viện Ung Bướu về mái ấm Gary.


Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Thương con gái vất vả vừa cáng đáng kinh tế vừa chăm mẹ bệnh, cô Phượng bảo con cứ ở nhà làm ăn rồi một mình vào Tp. HCM. Thời gian đầu, cô ở nhờ nhà bà con. Sau người bà con nọ chuyển đi, cô cũng “dời” vào bệnh viện ở. “Hôm tôi ở ké phòng người ta nuôi bệnh, hôm thì ngủ trên băng ghế hay kiếm góc nào đó khuất người nằm. Vậy mà đã qua hơn chục đợt hoá trị” - Cô nghẹn ngào tâm sự.


Cô Phượng (áo xanh) làm thủ tục tiếp nhận bệnh nhân mới


Khác với cô Phượng, cô Đỗ Thị Nga mới chỉ bắt đầu hành trình chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Sau tết nguyên đán năm 2021, nhận thấy những dấu hiệu bất ổn, cô Nga đi khám ở bệnh viện tỉnh. Cô được chuyển lên bệnh viện Ung Bướu TP.HCM điều trị sau khi có kết quả mắc ung thư vú.


Bệnh viện cách nhà 3h đi xe nhưng việc đi đi về về mỗi ngày với người đang tiếp nhận hoá trị như cô không dễ dàng gì. Người nhà khuyên cô nên thuê trọ ở lại để giữ gìn sức khoẻ. “Phòng trọ chút xíu, một tấm nệm cả chục người nằm chung, sờ đâu cũng thấy đất cát nhưng điều kiện mình có thế mình phải chấp nhận. Vô ngủ mà tôi không dám ngủ, ngồi dựa vào tường, chỉ mong trời mau sáng để ra khỏi chỗ này về lại bệnh viện” - Cô kể.


Mái ấm tình thương


Có một điều đặc biệt là khi nói về mái ấm Gary, cả cô Phượng và cô Nga đều gọi đó là “mái ấm tình thương”. Cô Phượng chia sẻ: “Sáng nay ngồi chung nghe mấy chú nói về mái ấm tình thương đón nhận bệnh nhân nghèo, tôi xin theo đặng kiếm một chỗ ngủ. Mới vô mà thấy mọi người ở đây tiếp đón niềm nở, phòng ốc thoải mái. Từ nay không phải ngủ tạm bợ ở bệnh viện, nghĩ thôi tôi cùng thấy mừng”.


Cũng hôm đó, cô Nga gặp một người bạn đang điều trị chung: “Sau mấy đêm mất ngủ, tôi tâm sự với em rồi bảo chắc hôm nay chị về quê nghỉ ngơi cho khoẻ. Em nói thôi chị đừng về, em đưa chị vô mái ấm tình thương ở, thoải mái mà sạch sẽ vô cùng. Tôi hỏi ở đâu vậy cho chị đi với”.


Cô Phượng vui vẻ làm quen với các thành viên khác.


Về mái ấm ngày đầu tiên, cô Nga khen nức nở: “Thoải mái hơn phòng trọ trăm ngàn lần, hệt như thiên đường vậy đó. Ở đây thoáng đãng mát mẻ, có nhà vệ sinh riêng, còn hơn nhà mình nữa. Có chỗ nghỉ ngơi tốt, tinh thần thoải mái người tôi khoẻ khoắn hơn hẳn”.


Thiên đường đối với những người bình thường có thể là một nơi xa hoa, lộng lẫy. Nhưng đối với những bệnh nhân nghèo đang điều trị ung thư như cô Phượng, cô Nga, thiên đường chỉ đơn giản là nơi họ được ngủ một giấc thật ngon sau ngày dài mệt mỏi, không lo lắng bị xua đuổi hay thức trắng trong góc phòng trọ lụp xụp.


Mái ấm Gary đã trở thành thiên đường khi mở rộng cửa để đón chào họ trong những ngày tháng khó khăn. Để rồi, niềm tin vào cuộc sống của họ không bị dập tắt mà thắp sáng và soi đường cho họ trên hành trình gian nan phía trước.


*Tên nhân vật đã được thay đổi


Tìm hiểu thêm về mái ấm Gary:

Địa chỉ: Số 165/2 Đường Tam Châu, P. Tam Bình, TP. Thủ Đức, TP. HCM




8 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page