top of page

Cải thiện sức khỏe rõ rệt cho đồng bào nhờ giếng mới

Thiếu nước sạch đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của đồng bào Gia Lai và Kon Tum. Từ đây, nhiều căn bệnh nảy sinh, trở thành vấn đề nhức nhối trong những cộng đồng yếu thế.


Đã nhiều năm nay, người dân ở nhiều khu vực thuộc Gia Lai và Kon Tum phải sống chung với tình trạng khan hiếm nước sạch. “Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn ra tương đối trầm trọng, rất nhiều buôn làng dân tộc thiểu số thiếu nước sinh hoạt. Có những vùng người dân phải đi ra sông, suối để múc nước uống” - Ông Dương Đình Diện (chủ tịch Hội chữ thập đỏ Gia Lai) cho biết.


Nguồn nước chịu nhiều tác nhân ô nhiễm mà người dân vẫn sử dụng để ăn uống, tắm giặt hàng ngày


Do sử dụng nguồn nước ô nhiễm, bệnh tật liên tục rình rập và bùng phát, đe dọa đến đời sống bà con. Ghẻ lở, hắc lào, lang ben… là một những căn bệnh phổ biến nhất. Chị Y Liên* (25 tuổi) cho biết: “Nhà tôi có 4 đứa, trước đây các cháu thường lây ghẻ lở cho nhau, đặc biệt là bé út mới 1 tuổi, có khi bị mấy tháng trời không khỏi. Trẻ con ở đây đứa nào cũng vậy hết”.


Không chỉ làm lây lan bệnh da liễu, việc sử dụng nước bẩn trong sinh hoạt còn gián tiếp đe dọa đến tính mạng người dân. Bà Y Mai* (58 tuổi) có 8 người con nhưng chỉ có 2 người khoẻ mạnh trưởng thành. 6 người còn lại sớm qua đời do ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, kiết lỵ… Một trong những nguyên nhân chính đến từ dòng nước gia đình bà đang sử dụng. Ở một điểm lấy nước khác của đồng bào Gia Rai, nguồn nước của họ chỉ cách nghĩa trang 4m, dẫn đến bệnh phong cùi mà họ không hề hay biết.


Con gái út của chị Y Liên thường xuyên mắc bệnh da liễu do nguồn nước kém vệ sinh


Tất cả những vấn đề sức khoẻ này đã hiện diện trong đời sống của bà con đồng bào suốt hàng chục năm nay. Tuy nhiên, chúng đã được xóa bỏ khi những công trình giếng sạch về với các bản làng.


Các giếng nước mới gần với khu dân cư hơn, có nguồn nước dồi dào và được kiểm định về chất lượng. Có giếng mới an toàn, vấn đề y tế - sức khoẻ của người dân được cải thiện đáng kể. Chị Y Liên chia sẻ: “Từ hồi có giếng rồi tụi trẻ con ít bệnh hẳn, không còn bị tiêu chảy, ghẻ lở quanh năm nữa”.


Giếng sạch tại thôn Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, Kon Tum


Với bà Y Mai, bên cạnh việc không còn phải lặn lội đi hàng mấy cây số một ngày để lấy nước, bà cũng an tâm hơn khi con cháu của mình được sử dụng dòng nước đảm bảo. “Vui lắm. Mọi người ở đây mong có giếng nước mãi, cuối cùng cũng thành hiện thực” - Bà mừng rỡ cho biết.


18 công trình giếng khoan thuộc dự án “Giếng sạch trao buôn” đã được đưa vào sử dụng tại hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 18.000 người dân. Từ nay đến năm 2023, gần 500 công trình giếng khoan khác cũng sẽ được thực hiện để đáp ứng “cơn khát” nước sạch của bà con.


Hãy đồng hành cùng chúng tôi trên hành trình cải thiện y tế - sức khoẻ cho đồng bào Tây Nguyên. Với mỗi phần đóng góp đến từ cộng đồng, quỹ ASIF sẽ tài trợ một phần tương xứng, nhân đôi lợi ích người dân nhận được.


*Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo dõi fanpage và website ASIF để cập nhật đầy đủ và sớm nhất thông tin các dự án.

Liên hệ đồng hành cùng chúng tôi qua email: contact@asif.foundation.








Comments


bottom of page