Trước vấn đề về minh bạch trong từ thiện, các tổ chức được gây quỹ hợp pháp đang là địa chỉ được nhiều người gửi gắm niềm tin. Tại Việt Nam hiện có 4 loại hình tổ chức như vậy.
Bốn loại hình tổ chức được gây quỹ tại Việt Nam
1. Cơ sở bảo trợ xã hội
Cơ sở bảo trợ xã hội là đơn vị hoạt động sự nghiệp xã hội được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, không có điều kiện sống ở gia đình.
Các em nhỏ ở Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Mai Tâm
Các cơ sở bảo trợ xã hội được phép nhận nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Một số cơ sở bảo trợ xã hội tại Việt Nam là cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn, cơ sở bảo trợ xã hội Mai Ân, mái ấm Mai Tâm...
2. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Quỹ xã hội là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được phép vận động quyên góp, tài trợ cho quỹ; tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác theo đúng mục đích của quỹ và quy định của pháp luật.
Một số quỹ xã hội, quỹ từ thiện điển hình như Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Sống Foundation, Worldwide Orphans Foundation (WWO)...
3. Hội
Hội là nơi những người cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng. Các thành viên của hội hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hội Chữ thập đỏ đồng hành với nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng
Pháp luật quy định hội được gây quỹ hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải kinh phí hoạt động. Ngoài ra, hội cũng được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Một số hội tiêu biểu tại Việt Nam là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
4. Doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, có sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
Pháp luật cho phép các doanh nghiệp xã hội được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ cũng như các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động.
Nhà May Mắn - Maison Chance , Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, Doanh nghiệp xã hội KOTO là một số doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.
Trên đây là 4 loại hình tổ chức được gây quỹ hợp pháp tại Việt Nam mà bạn có thể tham khảo để quyên góp, ủng hộ mà không sợ rủi ro hay các vấn đề liên quan đến minh bạch tài chính.
Kommentare