Hành trình của những trái tim kiên cường
- huongha0
- 18 thg 3
- 3 phút đọc
Bệnh thận mạn tính không chỉ là một thử thách về y tế mà còn là hành trình đầy gian nan đối với bệnh nhân, gia đình và cả hệ thống y tế. Trong bối cảnh đó, một mô hình chăm sóc toàn diện do bệnh viện Lê Văn Thịnh và ASIF Foundation kết hợp triển khai sẽ là chìa khóa giúp cải thiện chất lượng sống, mang lại sự hỗ trợ thiết thực về thể chất, tinh thần và tài chính cho người bệnh.

Hành trình đầy thách thức của bệnh nhân chạy thận
Mỗi tuần, hàng triệu bệnh nhân chạy thận trên thế giới dành nhiều giờ trong bệnh viện để lọc máu, đồng thời gánh chịu những áp lực tâm lý, tài chính và xã hội. Với họ, hành trình điều trị không có điểm dừng, đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục để duy trì sức khỏe và ổn định tinh thần. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn phải đối diện với sự cô lập, kiệt quệ tài chính và những giới hạn trong khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc.
Việc chỉ tập trung vào điều trị y tế mà bỏ qua các yếu tố như tâm lý, dinh dưỡng và hỗ trợ xã hội là chưa đủ để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Vì vậy, mô hình chăm sóc toàn diện không chỉ tập trung vào điều trị mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng khác như hỗ trợ tinh thần, nâng cao năng lực đội ngũ y tế và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình điều trị cũng là một bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc.
Mô hình chăm sóc toàn diện và hướng đi bền vững trong y tế
“Mô hình chăm sóc toàn diện đã có từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên được áp dụng cho bệnh nhân thận mạn. Đây có thể coi là một bước tiến đổi mới trong ngành y tế Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện cuộc sống của bệnh nhân” Phạm Minh Trang, chuyên viên quản lý dự án “Đồng hành chạy thận”, chia sẻ.
Dự án không chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp bệnh nhân mà còn đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế. Bệnh thận mạn là một bệnh lý phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng và khả năng phối hợp đa ngành. Do đó, việc nâng cao chuyên môn cho bác sĩ và điều dưỡng sẽ giúp họ tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến, cập nhật xu hướng quốc tế và áp dụng hiệu quả vào thực tế.
“ASIF Foundation hiểu rằng đội ngũ y tế, đặc biệt là bác sĩ và điều dưỡng trực tiếp làm việc với bệnh nhân thận mạn, chính là nền tảng cốt lõi để đảm bảo hiệu quả của mô hình chăm sóc toàn diện. Việc đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn không chỉ giúp cải thiện chất lượng điều trị mà còn tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân,” chị Trang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ASIF Foundation còn phối hợp với các bệnh viện để tổ chức các hội thảo, sự kiện và chương trình đào tạo chuyên sâu, giúp mở rộng mô hình chăm sóc này đến nhiều địa phương khác. Đồng thời, tổ chức cũng chú trọng đến công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh thận mạn và tầm quan trọng của việc chăm sóc toàn diện.
Hướng đi mới trong điều trị bệnh thận mạn
Hướng đi mới trong điều trị bệnh thận mạn không chỉ nằm ở việc cải thiện dịch vụ y tế, mà còn là sự thay đổi toàn diện về cách tiếp cận, đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc đầy đủ về thể chất, tinh thần và tài chính. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là lời kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng, bệnh viện và các tổ chức liên quan để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật. Chính vì thế, không chỉ dừng lại tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ASIF Foundation mong muốn mô hình này có thể được nhân rộng tới nhiều bệnh viện và địa phương khác.
Kommentare